Thế Giới Di Động tiết lộ là họ sẽ khai trương chuỗi bán đồ thời trang vào tháng 12/2021. Như thế, ngày 2 chiến hữu cũ Nguyễn Đức Tài – Đinh Anh Huân đối đầu trực diện với nhau trên thương trường không còn xa nữa.
Có lẽ với ông Đinh Anh Huân thì Tập đoàn Thế Giới Di Động là cái tên mà ông cảm thấy ‘vừa yêu vừa giận’.
Yêu là nhờ có 700 tỷ đồng khi bán hết cổ phần của mình lúc Thế Giới Di Động IPO năm 2014, thì ông mới có nguồn lực để xây dựng bầu trời riêng cho bản thân là Seedcom. Còn giận là bởi dẫu rời Thế giới di động đã lâu, nhưng ông vẫn hay gặp các câu hỏi kiểu như “ông có hối tiếc không khi bán ‘lúa non’ năm 2014, vì giờ Thế Giới Di Động được định giá gấp 10 lần”?! Chưa hết, Seedcom và Thế Giới Di Động cũng thường được đưa ra làm chủ đề so sánh khi cùng làm về “bán lẻ”, dù con đường, cách thức và cơ cấu của 2 doanh nghiệp này rất khác nhau.
Đội ngũ sáng lập của Tập đoàn Thế Giới Di Động.
Ông Huân hay được dư luận và giới truyền thông nhắc tới theo hướng khá “nhạy cảm” đó (dù chắc rằng bản thân ông không muốn), bởi ông là người duy nhất trong team 5 người sáng lập ra Thế Giới Di Động rời khỏi doanh nghiệp này sớm và không còn bất cứ cổ phần hay mối liên quan gì với công ty cũ. Trong khi trước đây, ông Huân chính là người nắm giữ nhiều cổ phần nhất trong đội ngũ sáng lập (gần 5% trong khi 4 người còn lại chỉ khoảng 1% đến 2%).
Sau khi ông Đinh Anh Huân rời khỏi Thế Giới Di Động năm 2004, 4 đồng đội còn lại Điêu Chính Hải Triều, Nguyễn Đức Tài, Trần Huy Thanh Tùng và Trần Lê Quân vẫn tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp. Tới năm 2019, thì ông Trần Lê Quân mới thông báo về việc rời HĐQT của MWG, vì vấn đề tuổi tác cũng như đã làm hết nhiệm vụ lịch sử của mình.
Với những động thái mới từ Thế Giới Di Động trong thời gian gần đây, cảm xúc của ông Đinh Anh Huân với ‘giang sơn’ cũ của mình chắc hẳn còn phức tạp hơn nữa.
Trong thời gian đầu, mối quan hệ giữa Seedcom và Thế Giới Di Động là ‘nước sông không phạm nước giếng’. Thế Giới Di Động sắm vai chính trên thị trường phân phối công nghệ – điện tử, còn Seedcom trong vai “bà đỡ” đi tìm các startup ở các lĩnh vực tiềm năng để đầu tư, như F&B – The Coffee House, logisitic Ahamove và Giao Hàng Nhanh, thời trang – Juno và Hnoss, TMĐT – Haravan…
Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư của mình mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của 2 chuỗi là Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động tiết lộ: Tập đoàn Thế Giới Di Động sẽ mở thêm chuỗi bán hàng thời trang và thể thao. Hơn nữa, trong tương lai họ sẽ mở rộng ra nhiều ngành hàng khác.
Chưa ai biết hình thái chuỗi thời trang của MWG như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ không phải hàng xa xỉ. Với dịch vụ nổi bật, họ cũng không làm hàng bình dân. Vậy là nhiều khả năng chuỗi thời trang của MWG sẽ bán hàng phân khúc trung cấp. Nếu như thế, MWG có thể đụng độ trực tiếp với Seedcom – đang đầu tư mạnh vào 2 chuỗi Juno và Hnoss.
Thời trang là một mảng quan trọng của Seedcom, tuy nhiên không phải thương vụ đầu tư nào ở mảng này của họ cũng thành công, tiêu biểu như việc rút khỏi Eva de Eva đầu năm 2021, chỉ sau 3 năm đổ tiền vào đầu tư.
CUỘC CHẠM TRÁN NHỎ Ở MẢNG SIÊU THỊ
Với những gì ông Đinh Anh Huân làm với Seedcom, có thể hiểu lý do vì sao ông không muốn tiếp tục đồng hành cùng Thế Giới Di Động nữa vào năm 2014.
Ông muốn đóng góp cụ thể và trực tiếp cho mảng sản xuất thế mạnh của Việt Nam – như cà phê, nông sản, may mặc và giày da… bằng cách sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng – vận hành – bán hàng tốt hơn; khiến các thương hiệu Việt có thể sánh vai với thế giới và khu vực. Vậy nên, các công ty của Seedcom thường đi kiểu chậm mà chắc. Seedcom vì vậy không thể trở thành ‘Thánh Gióng’ một sớm một chiều.
Thế Giới Di Động thì khác. Họ chỉ đơn giản tập trung vào phân phối hàng hóa và dịch vụ. Họ không phân biệt là hàng nước ngoài hay trong nước, chỉ cần có thể ra tiền là bán. MWG gần như không quan tâm đến việc sản xuất. Họ chỉ đơn giản là tìm những nguồn hàng tốt và tập trung vào việc bán nó càng nhanh càng tốt. Vậy nên, MWG phát triển cực kỳ nhanh và quy mô ngày càng lớn khi có hàng ngàn cửa hàng, sở hữu 5 chuỗi thương hiệu trên khắp cả nước.
Cả Bách Hóa Xanh lẫn KingfoodMart đều là kiểu siêu thị mini hoặc cỡ trung, rất thuận tiện cho khách hàng tạt vào mua sắm.
Mặc dù con đường của ông Nguyễn Đức Tài và Đinh Anh Huân không giống nhau, song “độ nhạy khứu giác” về cơ hội thị trường khá tương đồng. Để tiếp tục động lực tăng trưởng 30%/năm, năm 2015, MWG đã chọn mảng siêu thị để phát triển. Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Tài, thì ý tưởng tạo ra Bách Hóa Xanh xuất hiện khi Ban lãnh đạo Tập đoàn này đang đi tìm mô hình mới ở một nước Đông Nam Á.
Tiếp theo đó, năm 2019, Seedcom cũng giới thiệu thương hiệu mới của mình là chuỗi siêu thị KingfoodMart. Khác với những ‘người anh em’ trong hệ sinh thái Seedcom, KingfoodMart được ông Đinh Anh Huân và Ban lãnh đạo trực tiếp khởi tạo, chứ không mang tiền đi đầu tư như The Coffee House hoặc Juno.
Cuộc “chạm trán” giữa hai ông lớn ở mảng siêu thị trên thực tế vẫn khá nhẹ nhàng. Do phân khúc khách hàng mà Bách Hóa Xanh và KingfoodMart phục vụ khác nhau, quy mô khác nhau. Bách Hóa Xanh chủ yếu phục vụ tầng lớp bình dân – với định vụ thương hiệu là cạnh tranh với chợ truyền thống; còn KingfoodMart chuyên về thực phẩm và rượu bia, chủ yếu nhắm đến đối tượng trung và cao cấp.
Sau hơn 5 năm “điên cuồng” thử nghiệm và mở rộng, Bách Hóa Xanh hiện có khoảng 2.000 siêu thị trên toàn quốc, trong khi KingfoodMart chỉ mới kết thúc quá trình thử nghiệm mới đây và có kế hoạch mở rộng nhanh trong thời gian tới ở TP.HCM. KingfoodMart hiện có 7 cửa hàng tại 4 quận. Cả Bách Hóa Xanh lẫn KingfoodMart đều là kiểu siêu thị mini hoặc cỡ trung, rất thuận tiện cho khách hàng tạt vào mua sắm.
Đó là xét tổng thể, còn nếu chỉ tính cục bộ, không thể nói là Bách Hóa Xanh và KingfoodMart không có sự cạnh tranh.
Chẳng hạn như khu vực đường Phạm Hùng tiếp giáp giữa quận 8 và Bình Chánh không có siêu thị lớn, nên lúc Vinmart và Bách Hóa Xanh mở vài siêu thị ở khu vực này thì tương đối đắt hàng. Tuy nhiên, việc KingfoodMart vừa xuất hiện ở đường Phạm Hùng, ngay cạnh Bách Hóa Xanh đã khiến lượng khách vào Bách Hóa Xanh giảm sút. Chẳng có gì khó hiểu với hiện tượng này, bởi dân cư khu vực này tương đối khá giả.
SẮP TỚI SẼ LÀ ĐỐI ĐẦU TRỰC DIỆN Ở MẢNG THỜI TRANG?
May mặc và giày da là những ngành sản xuất thế mạnh của Việt Nam, nên dễ hiểu đây là một trong mảng đầu tư trọng tâm của Seedcom kể từ khi thành lập. Tuy nhiên, Seedcom vẫn chưa hái được nhiều trái ngọt từ mảng miếng này.
Seedcom đồng hành cùng Juno (có 96 cửa hàng) từ những ngày đầu và tham gia vào giai đoạn sau của Hnoss (37 cửa hàng) và Eva de Eva. Seedcom đầu tư vào Eva de Eva trong năm 2018 và chỉ 3 năm sau đã rút vốn.
Năm 2021, bà Tô Thị Dung – Founder của Eva de Eva từng chia sẻ: đó là thời điểm giữa năm 2018, sau nửa năm tìm hiểu, Seedcom nhìn thấy vấn đề của Eva de Eva là có một lượng khách quen, sản phẩm, thương hiệu lâu năm, nhưng thiếu về marketing. Vậy nên, Seedcom tập trung vào việc số hóa doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, mở điểm bán; phần sản phẩm giao cho đội ngũ của người sáng lập.
Tuy nhiên, cho dù nhận thêm nguồn lực hỗ trợ từ một nhà đầu tư có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực bán lẻ, Eva de Eva vẫn không mang về kết quả như mong đợi của tất cả.
Theo dữ liệu của chúng tôi, doanh thu của Eva de Eva đã gấp hơn 3 lần trong năm 2019, đạt 161 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp giảm sâu, từ 48% xuống còn 27%; điều này kéo theo việc công ty thua lỗ tới 71 tỷ đồng.
Trên thực tế, 2019 không phải là một năm cho thấy cửa sáng đối với các thương hiệu thời trang được đầu tư bởi Seedcom.
Thương quần áo Hnoss đem về doanh thu 122 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước đó; nhưng lỗ ròng tăng gấp đôi, lên 21 tỷ đồng. Thương hiệu giày dép – túi xách nữ Juno cũng trong tình cảnh tương tự, số lỗ cũng gấp 2 lần lên 40 tỷ đồng. Thậm chí, doanh thu của Juno còn đi lùi, họ đạt 541 tỷ đồng, giảm 10%. Năm 2017, doanh thu của Juno đạt 470 tỷ đồng, họ có lãi 27 tỷ đồng.
Để cải thiện hiệu quả của mảng thời trang, năm 2020, Seedcom đã thuyết phục được ông Ngô Nguyên Kha – Founder của Mobiistar về làm Tổng Giám đốc Fashion Group. Ông Ngô Nguyên Kha là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ Việt Nam. Ông Kha và ông Huân quen biết nhau khi ông Huân tham gia khởi nghiệp với Thế Giới Di Động.
“Trong Covid-19, con số ấn tượng nhất với rất nhiều người trong chúng tôi là trung bình mỗi nhân viên Juno nhận được 15 tháng thu nhập trong năm 2020, mấy chục cá nhân xuất sắc thì được 16-17 tháng, dù những tháng dịch họ phải chấp nhận giảm lương đến 20-30%.
Cả Fashion Group thì đạt 100% kế hoạch doanh thu và 120% kế hoạch lợi nhuận. Juno có lãi tương đối lớn sau 2 năm liên tục không lãi. Kết quả này thực sự là một bất ngờ, bởi năm 2020 quá khó khăn nên không ai nghĩ Juno có thể có lãi. Có một chỉ số quan trọng là tỷ lệ khách hàng mua nguyên giá lên đến gần 50%.
Trong một năm chúng tôi phải khuyến mãi liên tục để kích cầu sau mỗi đợt dịch, nhưng khách hàng vẫn tìm mua sản phẩm với tỉ lệ nguyên giá rất cao như vậy, chứng tỏ sức hút của thương hiệu đang phát triển tốt“, ông Ngô Nguyên Kha chia sẻ trong một bài phỏng vấn vào tháng 3/2021.
Phía Thế giới di động, trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư của mình mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của 2 chuỗi là Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động tiết lộ: Tập đoàn Thế Giới Di Động sẽ mở thêm chuỗi bán hàng thời trang và thể thao.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ bán những nhóm hàng khác hoàn toàn với những gì đã bán trước đây“, ông Hiểu Em nói. Đồng thời, ông cũng cho biết, chuỗi bán lẻ thời trang và đồ thể thao có thể ra mắt thử nghiệm trong tháng 12.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho hay: thời trang là mảng bán lẻ lớn, đặc biệt xuất hiện nhiều khoảng trống sau dịch bệnh. Công ty không thuê đơn vị nghiên cứu thị trường mà tự tìm hiểu quy mô, đơn vị đang dẫn đầu, rủi ro và khả năng thành công trước khi thử nghiệm.
MWG cho biết sẽ mở nhanh để lấy nhanh thị phần, nhưng việc tăng số lượng cửa hàng lên đến mức độ nào thì cần thời gian vận hành và đánh giá hiệu quả mới quyết định.
Chuỗi bán lẻ thời trang và các dự án đã ra mắt trong năm nay – như TopZone, theo ông Hiểu Em, đều không nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn trước đại dịch. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều cửa hàng hiện hữu đóng cửa vì dịch bệnh, Ban lãnh đạo đã nghĩ ra với mục tiêu chính là làm sao để doanh số năm nay ít thiệt hại nhất và năm tới vẫn có thể tăng trưởng.
Theo https://doanhnghieptiepthi.vn/sap-co-cuoc-dau-truc-dien-thu-vi-cua-2-chien-huu-cu-nguyen-duc-tai-dinh-anh-huan-tren-thuong-truong-161212011154339769.htm