Nghi thức thiết đại triều dưới thời Nguyễn

Lễ thiết đại triều thường được triều Nguyễn tổ chức vào ngày mồng 1 Tết ở điện Thái Hòa.

Sáng 2/2, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tái hiện lại lễ Nguyên đán dưới triều Nguyễn bằng hình thức sân khấu hóa với sự tham gia của hơn 100 người. Nguyên đán là một nghi lễ triều hội của triều Nguyễn tổ chức vào ngày mùng 1 Tết với nghi thức thiết đại triều ở điện Thái Hòa và thiết Thường triều ở điện Cần Chánh.

Sáng sớm, khu vực trước điện Thái Hòa đã có binh lính cầm đèn lồng đứng trang nghiêm. Theo nghi thức xưa, nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để điều hành nghi thức thiết đại triều.

Sau khi nghe tiếng trống chầu ở lầu Ngũ Phụng, bá quan văn võ bắt đầu tiến cung vào sân trước điện Thái Hòa để tham gia nghi thức thiết đại triều ngày đầu năm mới. Bá quan phải mặc phẩm phục đúng với chức sắc.

Các quan truyền chỉ ban ân của nhà vua trong dịp Nguyên đán với các nghi thức trang nghiêm.

Trước sân điện Thái Hòa, bá quan văn võ xếp theo hàng thứ tự theo chức quan từ lớn đến nhỏ. Theo phân cấp, các quan Thượng thư của các bộ sẽ đứng trước.

Theo nghi thức xưa, sau khi vua ngồi trên ngai vàng ở bên trong điện Thái Hòa, các quan sẽ thực hiện nghi thức bái lạy vua, mở đầu cho buổi thiết đại triều.

Trong buổi lễ, các quan đứng ở sân điện sẽ dâng biểu chúc mừng nhà vua trong ngày đầu năm mới.

Sau khi các quan dâng biểu chúc mừng, nhà vua sẽ ban chỉ yến tiệc và thưởng xuân. Đội nhã nhạc cung đình sẽ thực hiện các tiết mục đại nhạc, tiểu nhạc mừng năm mới.

Đội nhã nhạc cung đình Huế tham gia nghi thức thiết đại triều.

Hệ thống đại nhạc cụ của triều Nguyễn xưa tham gia buổi lễ Nguyên đán.

Sau khi tham gia lễ thiết đại triều, tất cả bá quan văn võ sẽ về các khu vực mà nhà vua ban yến tiệc mừng năm mới. Xưa kia, các cuộc yến tiệc của nhà vua ban sẽ diễn ra ở điện Cần Chánh, Tả Vu, Hữu Vu, Tả Đại Lâu Viện, Hữu Đại Lâu Viện.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết lễ Nguyên đán với nghi thức thiết đại triều được thực hiện dưới hình thức sân khấu hóa nhằm phát huy di sản vật thể và phi vật thể của triều Nguyễn. Nghi lễ cũng phần nào giới thiệu nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình thuở xưa.

 Võ Thạnh
https://vnexpress.net/nghi-thuc-thiet-dai-trieu-duoi-thoi-nguyen-4230330.html

Có thể bạn quan tâm

Phim ‘Móng vuốt’: Kỹ xảo tạo quái thú liệu có đủ sức chinh phục khán giả?

Trước khi chính thức ra rạp, ê-kíp phim “Móng Vuốt” đã hé lộ quá trình …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *