Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đều ít nhiều chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm quỹ lương nhằm tiết kiệm chi phí. Đa số đều cố gắng tối đa việc cắt giảm nhân sự mà thay vào đó là giảm lương, thưởng.
Vậy trước khi dịch Covid-19 bùng phát, quỹ lương của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam lớn đến mức nào?
Dữ liệu thống kê từ báo cáo tài chính của các công ty đại chúng cho thấy có 2 doanh nghiệp có chi phí nhân công năm 2019 trên 10.000 tỷ đồng là Vingroup và FPT.
Là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán, hoạt động đa ngành nghề trên nhiều lĩnh vực nên cũng không có gì bất ngờ khi Vingroup có chi phí nhân công lớn nhất lên đến hơn 16.500 tỷ đồng.
Con số này bao gồm một lượng đáng kể chi cho nhân viên của hệ thống Vincommerce – vốn đã được chuyển nhượng sang cho Masan Group vào những ngày cuối cùng của năm 2019.
Do giao dịch chuyển nhượng này, khoảng hơn 30.000 nhân sự của Vincommerce đã trở thành nhân viên của Masan; đồng thời lượng nhân viên của Vingroup tại thời điểm cuối năm 2019 giảm xuống còn 51.000 người so với 65.300 người cuối năm 2018.
FPT ở vị trí số 2 với quỹ lương gần 10.300 tỷ đồng. Cuối năm 2019, tập đoàn này có gần 29.000 nhân viên, tăng 1.000 người so với năm trước.
Các ngân hàng với đặc thù mặt bằng thu nhập cao và số lượng nhân viên đông đảo chiếm phần lớn các vị trí tiếp theo trong danh sách, lần lượt là BIDV (9.700 tỷ), Vietinbank (9.500 tỷ), Vietcombank (8.900 tỷ), VPBank (7.300 tỷ)…
Các doanh nghiệp phi ngân hàng có chi phí nhân công lớn khác có thể kể đến như Vietnam Airlines (9.600 tỷ), Thế giới Di động (7.900 tỷ), Petrolimex, Vinatex, ACV, THACO…
Thế giới Di động hiện là doanh nghiệp niêm yết có số lượng nhân viên lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán với 57.600 người, tăng gần 17.000 người so với cuối năm 2018. Doanh nghiệp có đông nhân viên nhất là Tập đoàn Cao su – với gần 85.000 người – không công bố cụ thể con số chi phí nhân công. Một số doanh nghiệp khác cũng có chi phí nhân công lớn nhưng không/chưa công bố số liệu cụ thể còn có Vietjet và Masan.
Có 2 cái tên khá bất ngờ xuất hiện trong top đầu là Viettel Construction (2.886 tỷ) và Viettel Post (2.852 tỷ) – vượt xa nhiều doanh nghiệp lớn khác như Vinamilk, Hòa Phát hay Sabeco dù quy mô doanh nghiệp khiêm tốn hơn rất nhiều.
Theo ước tính của chúng tôi, với đội ngũ nhân viên vào khoảng 10.000 người [cả 2 đều không công bố số nhân viên trên BCTC] thì mức chi phí bình quân cho mỗi nhân viên của 2 doanh nghiệp họ Viettel này vào khoảng 20-25 triệu đồng/tháng.
Chi phí nhân công bao gồm lương, thưởng, phụ cấp, phúc lợi, lương nhân viên thời vụ… cũng như các khoản đóng góp bắt buộc theo lương. Do vậy khi chia bình quân đầu người thì kết quả thường sẽ khác biệt lớn so với mặt bằng thu nhập bình quân đầu người.
Chia tổng chi phí cho số lượng nhân viên trung bình tại thời điểm cuối năm 2019 và 2018, Vietcombank là doanh nghiệp có chi phí cho mỗi nhân viên lớn nhất, lên đến hơn 40 triệu đồng/tháng. Các ngân hàng khác như Techcombank, Vietinbank, MBB, BIDV hay VIB cũng đều ở mức trên 30 triệu đồng/tháng.
Vietnam Airlines đứng ở vị trí thứ 2 với xấp xỉ 38 triệu đồng/người/tháng. Với việc trở thành một trong những doanh nghiệp bị tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, thu nhập năm 2020 của nhân viên Vietnam Airlines chắc chắn sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Trí thức trẻ (http://ttvn.toquoc.vn/lo-dien-quy-luong-cua-nhieu-doanh-nghiep-ngan-hang-lon-truoc-khi-covid-19-bung-phat-vingroup-fpt-dan-dau-bat-ngo-2-doanh-nghiep-viettel-420207525258691.htm)